DetailController

Văn hóa xã hội

Lễ hội cấp thủy 3 dân phường Lĩnh Nam - Trần Phú năm 2024

08/04/2024 04:00
Lễ hội cấp thủy 3 dân phường Lĩnh Nam - Trần Phú năm 2024

 

Hòa trong niềm vui chung của chuỗi các hoạt động lễ hội đầu xuân 2024. Trong 02 ngày 23-24/3/2024 (tức 14 - 15/2 âm lịch), nhân dân 03 làng: Nam Dư Thượng, Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam) và Nam Dư Hạ (phường Trần Phú) đã tổ chức Lễ hội cấp thủy 3 dân, được tổ chức 2 năm một lần (theo năm chẵn), 03 làng cùng rước kiệu ra bến đò sông Hồng phường Lĩnh Nam để lấy nước về thờ.

Lễ hội cấp thủy 3 dân phường Lĩnh Nam được tổ chức theo quy ước dân chủ do nhân dân đề xuất, là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập xã- phường Lĩnh Nam (1955-2025); nhằm gắn kết tinh thần đoàn kết cộng đồng của nhân dân các làng Nam Dư Thượng, Thúy Lĩnh, nhân dân phường Lĩnh Nam và phường Trần Phú; giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhớ đến các vị thành hoàng đã có công dựng làng giữ nước, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ hội góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của phường Lĩnh Nam, Trần Phú nói riêng và của quận Hoàng Mai nói chung.

  Hội Ba Dân dựa trên sự tích được lưu truyền trong Ngọc phả. Lý Hoàng Chân - hoàng tử út trong tứ hoàng tử của vua Lý Thánh Tông. Mẹ là Hạo Nương, cung phi thứ 9, quê ở xã Bồng Lai, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây. Lý Hoàng Chân có công lớn chống quân Tống xâm lược. Trong trận quyết chiến tại phòng tuyến sông Cầu (Bắc Ninh) năm 1076, Ngài đã anh dũng hy sinh, được Vua phong: “Linh Lang Đại Vương thượng đẳng phúc thần" và duy nhất là người hy sinh ở chiến trường được lập đền thờ tại nội đô lúc bấy giờ - Đền Voi Phục (Thủ Lệ). Trải qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn cho đến nay, 269 nơi có dấu tích của Ngài cùng chung thờ. Khách thập phương vãng lai thành kính, ngày đêm hương đăng. Do Ngài hóa ở dưới dòng sông, cho nên dân trồng lúa và rau màu các vùng ven sông có thờ Ngài, trong đó có ba làng: Nam Dư Thượng, Thúy Lĩnh, Nam Dư Hạ còn tổ chức rước nước từ sông Hồng về làng. Mục đích là cầu cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng tươi tốt, người dân có được cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
          Nét đặc sắc ở Hội Ba Dân là ở chỗ nhân dân 3 làng cùng phối hợp tổ chức. Tư tưởng chủ đạo là bày tỏ kính ý với Thành hoàng và cầu may mắn trong mối giao lưu hòa hảo. Nó phản ánh nhu cầu đoàn kết "Ba cây chụm lại" của những người nông dân cần cù, giản dị chống chọi với thiên tai, địch họa để thực hiện khát vọng an lành, hạnh phúc. Xưa kia, từng làng tổ chức riêng. Thời điểm khai hội đều vào ngày 14-2, kéo dài đến 16-2. Khi các nội dung lễ hội đã hoàn thành thì thực hiện “Ba dân giao hảo” ăn chạ tập trung ở một làng nào đó theo luân phiên. Nay, để hợp với nhịp sống công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời nhằm nâng cao giá trị văn hóa của Hội, thời gian có rút ngắn lại. Ngày 14, cả 3 làng rước nước tập trung. Ngày 15 từng làng tế Thành hoàng ở đình của làng mình và kết thúc. Hội rước đã hình thành một mỹ tục: Làng Thúy Lĩnh ở gần sông Hồng hơn, nên bao giờ dân Thúy Lĩnh cũng đón đợi đoàn rước của 2 làng kia. Khi khách đến cửa đình, dân làng nghênh tiếp và nhường cho bạn đi trước, lịch thiệp nhận vị trí đi sau cùng. Nhưng khi
lễ thành thì dân Thúy Lĩnh lại về trước để chào mời, nói câu mong đợi “đến hẹn lại lên”, hẹn hội sau gặp lại.
        Lễ hội kết thúcsau 02 ngày, đã để lại ấn tượng trong lòng mỗi người dân, để rồi khi kết thúc lễ hội, người dân lại bước vào một năm làm việc hăng say, miệt mài, phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ, làm giàu cho quê hương, đất nước, góp phần xây dựng quê hương ngày cành giàu mạnh, văn minh, hiện đại.

 

UBND phường Lĩnh Nam

NewsByCategory